Cương vực Nhà Tống

Bản đồ hành chính Bắc Tống.

Năm 960, Triệu Khuông Dận phát động binh biến thay thế Hậu Chu, kiến lập triều Tống, vẫn kiến đô tại Khai Phong như cũ. Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 4 (979), Bắc Tống đánh diệt Bắc Hán, kết thúc cục diện phiên trấn cát cứ từ sau loạn An Sửloạn Hoàng Sào. Tuy nhiên, cương giới triều Tống và triều Liêu là tuyến qua Hà Khúc, Khả Lam, Nguyên Bình, Đại, Phồn Trì thuộc Sơn Tây và Phụ Bình, Mãn Thành, Dung Thành, Bá Châu thuộc Hà Bắc, và Thiên Tân. Trong chiến tranh giữa Tống và Liêu, quân Liêu từng nhiều lần nam hạ, xa nhất tiến đến Thiền châu (trị sở nay thuộc Bộc Dương, Hà Nam); quân Tống từng tiến qua phía bắc tuyến này. Do không có vùng sơn địa phía bắc Hà Bắc làm bức tường chắn, triều đình Tống chỉ có thể trồng nhiều liễu trên biên giới để làm giới tuyến. Ở phía tây, Định Nan tiết độ sứ người Đảng Hạng Lý Kế Phủng từng một thời gian đầu hàng triều Tống, đồng thời dâng đất Ngân châu, Hạ châu, Tuy châu, Hựu châu. Tuy nhiên, Lý Kế Thiên ba năm sau lại chiếm cứ Ngân châu, sau đó không ngừng tiến công các châu như Hạ, Linh, Lân, chưa từng thực sự phục tùng sự thống trị của Tống. Năm Cảnh Hựu thứ 1 (1034), cháu của Lý Kế Thiên là Lý Nguyên Hạo chính thức kiến lập Đại Hạ, sử gọi là Tây Hạ. Sau đó, biên giới phía tây bắc của Tống đại thể ổn định tại tuyến qua Lan Châu, Tĩnh Viễn thuộc Cam Túc, Đồng Tâm thuộc Ninh Hạ và Bạch Can sơn tại bắc bộ Thiểm Tây.

Đến đời Tống Thần Tông hết sức nỗ lực khoách trương lãnh thổ, chiếm được các châu Tuy, Hy, Hà, Thao, Mân, Lan. Năm Tuyên Hòa thứ 3 (1121), Tây An châu, Hoài Đức quân bị Tây Hạ chiếm. Tại phía tây, nhằm đoạt lấy lãnh thổ Thổ Phồn chiếm lĩnh từ hậu kỳ triều Đường, năm Hi Ninh thứ 4 (1071), triều đình Tống nhiệm mệnh Vương Thiều làm Thao Hà an phủ sứ (mới thiết lập), bắt đầu dụng binh với khu vực Hà Hoàng. Cuối cùng, quân Tống thu phục lưu vực Hoàng Thủy, lưu vực sông Đại Hạ, lưu vực Thao Hà nay thuộc Thanh Hải. Ở phía tây nam, tại khu vực dân tộc thiểu số thoát ly sự thống trị của triều Đường, triều Tống có tiến triển trong việc thiết lập quyền khống chế. Trải qua nhiều lần chinh phạt quân sự và "chiêu phủ", khu vực nay là nam bộ Tứ Xuyên, tây nam bộ Hồ Bắc, tây bộ Hồ Nam, đông bắc bộ Quý Châu và tây bộ Quảng Tây nhập vào bản đồ triều Tống, đặt châu chính thức hoặc châu ki mi. Trong đó, lần nổi danh nhất là vào năm Hi Ninh thứ 5 (1072), triều đình Tống phái Chương Đôn khai "Mai Sơn man". Mai Sơn tức là khu vực nay là Tân Hóa, An Hoa thuộc trung bộ Hồ Nam, sau đó đặt huyện xây thành, lập hộ tịch, định phú thuế, đặt thành khu hành chính chính thức tương tự như khu vực của người Hán.[tham 76] Năm Tuyên Hòa thứ 4 (1122), trong thời kỳ cương vực cực thịnh, Bắc Tống tổng cộng có 26 lộ, 254 châu, 30 phủ, 55 quân, 4 giám.

Bản đồ hành chính Nam Tống

Năm 1127, Triệu Cấu tại Nam Kinh tức vị, tức là Tống Cao Tông, sử gọi là Nam Tống. Do quân Kim tiến sát, Tống Cao Tông không ngừng dời đô về phía nam, đến năm 1129 thăng Hàng châu thành Lâm An phủ, lập nơi này là hành tại (thủ đô lâm thời). Đầu thời Nam Tống, quân Kim từng tiến đến khu vực nay là Hồ Nam, Giang Tây và Chiết Giang. Sau Thiệu Hưng hòa nghị, Tống và Kim xác định tạm thời lấy Hoàng Hà làm biên giới. Tuy nhiên, năm sau triều Kim hủy ước, xuất binh chiếm Hà Nam, Thiểm Tây. Năm Thiệu Hưng thứ 11 (1141), Tống và Kim xác định Hoài Hà là biên giới. Năm thứ hai lại điều chỉnh giới tuyến phía tây đến Đại tán quan (nay tại tây nam Bảo Kê, Thiểm Tây]] và nam Tần Lĩnh ngày nay. Sau đó, tuy có biến động cục bộ, song đường biên giới này vẫn cơ bản ổn định. Biên giới phía nam và tây nam của Nam Tống không có biến hóa nhiều, giao giới giữa Nam Tống và Đại Lý được thiết lập tại các châu như Lê, Tự, Lô, Kiềm, Ung. Theo ghi chép trong "Chư Phiên chí" của Triệu Quát năm 1226, quần đảo Bành Hồ đã lệ thuộc Tấn Giang huyện của Phúc Kiến lộ.[tham 76].

Cơ cấu chính phủ địa phương của triều Tống thi hành chế độ hai cấp châu (phủ, quân, giám) và huyện. Rút bài học từ phiên trấn cát cứ thời Đường, cấp hành chính thứ nhất của triều Tống đổi thành "lộ". Đầu thời lập quốc, Tống theo chế độ thời Đường, phân toàn quốc thành 10 đạo, đến năm Khai Bảo thứ 8 (975) thì đổi thành lộ. Đến năm Chí Đạo thứ 3 (997) bắt đầu định thành 15 lộ, bao gồm: Kinh Đông, Kinh Tây, Hà Bắc, Hà Đông, Thiểm Tây, Hoài Nam, Giang Nam, Kinh Hồ Nam, Kinh Hồ Bắc, Lưỡng Chiết, Phúc Kiến, Tây Xuyên, Hiệp, Quảng Nam Đông, Quảng Nam Tây[tham 77] Năm Hàm Bình thứ 4 (1001), phân Tây Xuyên thành hai lộ là Lợi Châu và Ích Châu, phân Hiệp lộ thành hai lộ là Quỳ Châu, Tử Châu. Năm Thiên Hi thứ 4 (1020), phân Giang Nam lộ thành hai lộ Đông, Tây. Năm Hi Ninh thứ 5 (1072), phân Kinh Tây lộ thành hai lộ Nam, Bắc; phân Thiểm Tây thành hai lộ là Vĩnh Hưng quân, Tần Phụng. Sau đó, triều đình còn đem Hà Bắc lộ phân thành hai lộ Đông, Tây; phân Kinh Đông thành hai lộ Đông, Tây. Năm Sùng Ninh thứ 5 (1106), lại thăng Khai Phong phủ thành Kinh Kỳ lộ. Năm Tuyên Hòa thứ 4 (1122), Tống và Kim đạt minh ước, định sau khi diệt Liêu thì Tống sẽ có Yên Sơn Phủ lộ và Vân Trung Phủ lộ, song sau đó không đặt được. Sau Kiến Viêm nam độ, triều Tống thiết lập 16 lộ: Lưỡng Chiết Đông, Lưỡng Chiết Tây, Giang Nam Đông, Giang Nam Tây, Hoài Nam Đông, Hoài Nam Tây, Kinh hồ Nam, Kinh Hồ Bắc, Kinh Tây Nam, Thành Đô Phủ, Đồng Xuyên Phủ, Quý Châu, Lợi Châu, Phúc Kiến, Quảng Nam Đông, Quảng Nam Tây. Thiết lập phân chia hành chính và chế độ chính trị địa phương của triều Tống có thể nói là trọng nội khinh ngoại, trung ương tập quyền cao độ. Tuy tránh được cục diện phiên trấn cát cứ, song khiến khả năng phòng bị của địa phương yếu kém, cuối cùng khiến thời Tống ngoại hoạn không ngừng[tham 78].

Đầu thời Bắc Tống, các lộ đều đặt chức "chuyển vận sứ" và "đề điểm hình ngục", một số lộ thường đặt "an phủ sứ". "An Phủ sứ ty" tục gọi là "soái ty", do quan đứng đầu châu/phủ trọng yếu nhất kiêm nhiệm, chủ quản quan chính một lộ, cũng kiêm quản tư pháp, tài chính và dân chính. "Chuyển vận sứ" tục gọi là "tào ti", chủ quản vận chuyển đường thủy và đường bộ, cùng thu thuế tài chính của châu huyện, kiêm quản tư pháp và dân chính. "Đề điểm hình ngục" tục gọi là "hiến ti", chủ quản tư pháp một lộ, kiêm quản tài chính. Thời Tống Thần Tông, từng thiết lập "Đề cử thường bình ti", tục gọi là "thường ti", chủ quản thường bình, nghĩa thương, miễn dịch, thị địch, phường tràng, hà độ, thủy lợi của lộ, thời Nam Tống hợp nhất với "Đề cử trà diêm ty". Ngoài ra, còn lập các ty đề cử khanh dã, trà mã, thị bạc; các ty tào, thương, hiến, gọi chung là giám ti. Giám ty hiệu xưng "ngoại thai", có chức năng giám sát, quyền lực khá cao[tham 5].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nhà Tống http://www.confucianism.com.cn/html/wenxue/1348450... http://www.cenet.org.cn/cn/CEAC/2005in/jjs008.doc http://www.art-and-archaeology.com/timelines/china... http://books.google.com/books?id=BxH0PqdGTVUC&pg=R... http://www.lunwentianxia.com/product.free.4452120.... http://www.xabusiness.com/china-resources/song-lia... http://www.artsmia.org/art-of-asia/history/dynasty... http://www.bcps.org/offices/lis/models/chinahist/s... http://www.chinaheritagequarterly.org/features.php... //dx.doi.org/10.1163%2F156852001753731033